T2 - CN 8:00 AM - 21:00 PM

0961922993

congtycsx@gmail.com

Lịch sử ứng dụng nguyên tố bạc trong y học

Vào cuối thế kỷ 18, các nhà khoa học phương Tây xác nhận rằng, keo bạc mà y học phương Đông đã từng sử dụng trước đó hàng nghìn năm là một tác nhân khử trùng hiệu quả.

Đến cuối thế kỷ 19 dung dịch keo bạc bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong y học. Các chế phẩm keo bạc kim loại dưới tên gọi Collargol và keo bạc ôxit - Protargol đã được các bác sỹ sử dụng cho đến tận ngày nay. Keo bạc được sử dụng để điều trị các bệnh viêm khớp, viêm phế quản, bệnh đường hô hấp, cúm, viêm phổi, vết thương có mủ; dưới dạng uống - các bệnh đường tiêu hóa, loét dạ dày...; dưới dạng ngoài da - các vết thương có mủ - hoại tử, da liễu, bỏng, mụn nhọt; một số bệnh khác như mastitis (viêm tuyến vú), giang mai, hủi, đau mắt hột, viêm màng não, tiền đình...

Tuy nhiên, sau khi con ng­ười phát minh ra thuốc kháng sinh (khoảng giữa thế kỷ 20), với hiệu lực mạnh hơn, keo bạc đã bị thay thế dần. Nh­ưng cũng chỉ 30 năm sau đó người ta đã nhận ra rằng, có rất nhiều loài vi khuẩn có khả năng chống lại tác dụng của thuốc kháng sinh, và hiện tượng đó ngày càng trở thành vấn đề đáng lo ngại.

Bằng lịch sử phòng bệnh lâu đời của mình, nguyên tố bạc đã gây lại được sự chú ý nơi các nhà y học bởi chính khả năng không gây hiệu ứng kháng thuốc. Bạc dưới dạng dung dịch keo được sử dụng rộng rãi trở lại để chống viêm nhiễm cho các vết thương, vết bỏng, vết cắt, chữa các bệnh đau răng, vết loét vùng miệng, đau mắt...

Ngày nay các nhà y học có ý kiến thống nhất rằng bạc là một chất kháng vi khuẩn tự nhiên, có độc tính cao đối với hầu hết các loài vi sinh vật, có phổ diệt vi khuẩn, nấm và virus rất rộng (trên dưới 650 loài mà chúng không có khả năng tạo đề kháng, chống lại tác động của bạc do bạc ức chế quá trình chuyển hóa hô hấp và vận chuyển chất qua màng tế bào vi sinh vật).

Khi công nghệ nano ra đời, các nhà khoa học thấy rằng, tính năng kháng khuẩn của bạc còn tăng lên gấp bội khi ở dạng nano. Nano bạc được đặc biệt quan tâm áp dụng trong y học chủ yếu là do các hạt nano bạc có năng lượng bề mặt rất lớn. Vì vậy, khi tiếp xúc với môi trường ẩm, chúng trở thành một “kho chứa” để giải phóng từ từ các ion bạc vào dung dịch, nhờ vậy lượng bạc “trong kho” không bị các thành phần trong dung dịch vô hiệu hóa. Nên các hạt nano bạc làm duy trì đặc tính diệt vi sinh vật của ion bạc được kéo dài.

Đặc tính đặc biệt của bạc ở dạng nano được thể hiện thông qua chức năng của tác nhân chống viêm nhiễm. Nano bạc có tác dụng diệt khuẩn phổ rộng bằng cách phá hủy chức năng của màng tế bào vi sinh vật và hoạt tính của các men. Nhờ vậy, nano bạc được ứng dụng để diệt khuẩn, virus, nấm và làm nhanh lành các vết thương hở, vết loét khó lành, vết bỏng, vết đứt, rách,…mà không để lại sẹo lồi.

Theo khoa học nghiên cứu, cơ chế diệt khuẩn của nano bạc được nhiều người ủng hộ, chủ yếu dựa trên sự tương tác tĩnh điện giữa ion bạc mang điện tích dương và bề mặt tế bào vi khuẩn mang điện tích âm và trên sự vô hiệu hóa nhóm thiol trong men vận chuyển ôxy, hoặc trên sự tương tác của ion bạc với DNA dẫn đến sự đime hóa pyridin và cản trở quá trình sao chép DNA của tế bào vi khuẩn.

Khả năng diệt khuẩn của hạt nano bạc là kết quả của quá trình chuyển đổi các nguyên tử bạc kim loại Ag0 thành dạng ion Ag+ tự do và các ion tự do này sau đó tác dụng lên các vị trí mang điện tích âm trên vi khuẩn. Dựa trên cơ chế tác dụng lên cấu trúc tế bào, bất cứ tế bào nào không có màng bền hóa học bảo vệ (vi khuẩn và virus thuộc cấu trúc loại này) đều chịu tác động của bạc. Các tế bào động vật máu nóng có cấu trúc màng hoàn toàn khác, không chứa các lớp peptidoglycan, nên bạc không tác động được.

Bạc tác dụng hủy diệt lên tế bào vi khuẩn nhưng không gây độc hại đối với tế bào động vật có vú. Các hạt nano bạc được cơ thể tiếp nhận như một chất tương hợp sinh học. Bạc là thành phần không thể thiếu được của mô người: Tồn tại với số lượng lớn trong não, trong nhân tế bào thần kinh, trong các hạch của hệ nội tiết, trong võng mạc và trong xương.

Thực tế cho thấy, nano bạc rất an toàn với người sử dụng. Qua việc, từ xa xưa vua chúa ở các triều đại phong kiến đã sử dụng bát đĩa đựng thức ăn bằng bạc cho đến khoa học hiện đại ngày nay đã có nhiều ứng dụng sử dụng bạc trong thuốc nhỏ mắt cho trẻ sơ sinh, trong điều trị các nhiễm khuẩn ở mắt, ở tai rất hiệu quả, an toàn và không gây kích ứng cho giác mạc.

Nano bạc có khả năng đặc biệt trong việc hỗ trợ điều trị vết thương. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy quá trình phục hồi tổn thương luôn diễn ra với sự có mặt của một số chất kích thích phân bào (cytokin) với chức năng khác nhau như chất cytokin “yếu tố tăng trưởng biến đổi” TGF-β (transformation growth factor-β), interleukin IL-6, IL-10, interferon IFN-g, VEGF (yếu tố tăng trưởng huyết quản nội mô) v.v... Các cytokin này có vai trò quan trọng trong các quá trình khơi mào phản ứng, duy trì hiện trạng và điều tiết các phản ứng xảy ra sau khi xuất hiện tổn thương. Chính các cytokin này là nguyên nhân làm thay đổi chất lượng điều trị vết thương theo chiều hướng tốt lên hoặc xấu đi. Chẳng hạn, trên các sẹo lồi hoặc sẹo siêu dinh dưỡng người ta phát hiện ra rằng hàm lượng cytokin TGF-β đều gia tăng đáng kể, trong khi đó trên các tổn thương không để lại sẹo thì người ta lại tìm thấy hàm lượng yếu tố này giảm hẳn. Như vậy, nếu chúng ta tìm được tác nhân có khả năng ức chế yếu tố TGF-β thì chúng ta có thể kiểm soát được phản ứng viêm và hình thành sẹo trong quá trình điều trị vết thương. Tác nhân đó chính là nano bạc.

Interleukin IL-6 là một cytokin kích thích mạnh sự phát triển của các nguyên bào sợi, cần thiết cho sự phục hồi của vết thương. Do đó, nếu hàm lượng IL-6 trong vết thương tăng lên quá mức, thì sau khi điều trị sẽ để lại sẹo lồi. Có nghĩa là nếu sự hiện diện của IL-6 được hạn chế, thì quá trình lành vết thương sẽ không để lại sẹo. Mặt khác, interleukin IL-10 là một cytokin hỗ trợ viêm (pro-inflamation) rất cần thiết cho giai đoạn đầu của quá trình phục hồi vết thương (đặc biệt là vết thương bỏng) nhằm chống lại tác dụng của vi khuẩn, nhưng tại giai đoạn cuối cytokin này phải được ức chế. Các đòi hỏi này đối với IL-6 và IL-10 đều được nano bạc đáp ứng.

Cytokin IFN-g do các tế bào lympho T và đại thực bào sản sinh ra, giữ vai trò quan trọng trong việc tái tạo mô của vết thương. Cụ thể là khi hàm lượng IFN-g trong vết thương tăng lên, thì quá trình sản sinh colagen bị chậm lại, trong khi lượng men phân giải collagen tăng, dẫn đến sự suy giảm tốc độ co rút của diện tích vết thương. Nói cách khác là, khi lượng IFN-g tăng lên, thì tốc độ hình thành lớp colagen trên vết thương bị chậm lại, nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi để ngăn chặn nguy cơ tạo sẹo lồi. Các tính chất này được các nhà y học điều trị rất quan tâm nghiên cứu để xử lý các tổn thương sẹo lồi hoặc tổn thương siêu dinh dưỡng. Đòi hỏi này đối với cytokin IFN-g cũng được nano bạc đáp ứng đầy đủ.

Những điều trình bày trên cho phép khẳng định các chế phẩm dạng kem, gel, dung dịch,... chứa nano bạc dùng để xịt, bôi, đắp lên các vết thương hở, vết bỏng, các vết loét khó lành có những tác dụng sau:

- Tiêu diệt dễ dàng các loài vi khuẩn, virus, bào tử, nấm; các vi sinh vật này không có khả năng đề kháng chống lại tác dụng của chế phẩm.

- Làm nhanh lành với hiệu quả cao trên các vết bỏng, vết thương nhiễm trùng, mụn nhọt trên da, hắc lào, nước ăn chân, các vết loét khó lành do nằm lâu một chỗ, các vết loét dinh dưỡng do bệnh tiểu đường.

- An toàn, không gây kích ứng.

Tin liên quan

Đặc tính khử trùng của Nano Bạc 03/12/2021

Đặc tính khử trùng của Nano Bạc

Ứng dụng của Nano Bạc trong y tế và đời sống 03/12/2021

Ứng dụng của Nano Bạc trong y tế và đời sống

Đề tài Nghị định thư Khoa học - Công nghệ về Nano Bạc 03/12/2021

Đề tài Nghị định thư Khoa học - Công nghệ về Nano Bạc

Công nghệ Nano Bạc - Từ nghiên cứu đến ứng dụng thực tế 03/12/2021

Công nghệ Nano Bạc - Từ nghiên cứu đến ứng dụng thực tế