T2 - CN 8:00 AM - 21:00 PM

0961922993

congtycsx@gmail.com

Cuộc chiến chống nhiễm khuẩn bệnh viện của Việt Nam đang đi đúng hướng

Cùng với thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng do nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc sức khỏe và kháng kháng sinh tại cơ sở y tế. Tính trung bình, cứ 10 bệnh nhân ở Việt Nam thì có một người bị nhiễm khuẩn trong quá trình điều trị. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở các khoa chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện Trung ương. Dịch bệnh xảy ra gần đây cùng với số ca nhiễm khuẩn tăng là cảnh báo đối với các bệnh viện và cơ sở y tế ở Việt Nam, đồng thời nó cũng cho thấy tầm quan trọng của hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn trong việc đối phó với nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc sức khỏe và kháng kháng sinh. Một số vụ việc đáng lưu ý đã xảy ra như: dịch SARS năm 2003; dịch sởi năm 2014; nhiễm trùng vết mổ tại Bệnh viện Đa khoa Hà Giang năm 2013; các trường hợp nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc sức khỏe ở trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh vào năm 2017; tỷ lệ kháng kháng sinh gia tăng, đặc biệt là Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA) và Enterobacteriaceae kháng Carbapenem (CRE).

Ngành y tế Việt Nam sớm nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động phòng chống nhiễm khuẩn Năm 2009, Bộ Y tế đã ban hành và tổ chức thực hiện trong toàn ngành Thông tư số 18/2009/BYT, hướng dẫn hoạt động phòng chống nhiễm khuẩn toàn diện ở các cơ sở y tế. Kế hoạch hành động quốc gia 2016-2020 về phòng chống nhiễm khuẩn đã được ban hành và đang được các cơ sở y tế thực hiện; hầu hết các bệnh viện đã thành lập hệ thống phòng chống nhiễm khuẩn . Ngoài ra, Bộ Y tế đã ban hành một số tài liệu hướng dẫn kỹ thuật quốc gia và tài liệu phục vụ đào tạo về phòng chống nhiễm khuẩn; thành lập Nhóm tư vấn kỹ thuật quốc gia về phòng chống nhiễm khuẩn.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc áp dụng các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn hiệu quả sẽ giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc sức khỏe xuống ít nhất 30%, hoạt động đơn giản và hiệu quả nhất là vệ sinh tay. Ngành y tế Việt Nam đặt ra mục tiêu hơn 95% số bệnh viện thực hiện các chiến dịch vệ sinh tay hàng năm, hơn 40% bệnh viện Trung ương và tỉnh triển khai hệ thống giám sát nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc sức khỏe một cách bài bản vào năm 2020.

Trong những năm qua, WHO đã hợp tác hiệu quả với các đối tác phát triển quốc tế, như Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC), PATH, Tổ chức Hợp tác vì sự Phát triển Y tế Việt Nam để cung cấp hỗ trợ vận động chính sách và kỹ thuật cho Cục Quản lý khám, chữa bệnh trong việc xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia về Kiểm soát nhiễm khuẩn của ngành Y tế giai đoạn 2016-2020, xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật quốc gia về phòng chống nhiễm khuẩn, xây dựng tiêu chí đánh giá phòng chống nhiễm khuẩn, xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật phòng chống nhiễm khuẩn và thành lập các bệnh viện mô hình phòng chống nhiễm khuẩn.

Nhằm thúc đẩy cam kết tăng cường các hoạt động phòng chống nhiễm khuẩn và giảm nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế, ngày 27 tháng 3 năm 2018, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã chủ trì một hội nghị vận động chính sách cấp cao về phòng chống nhiễm khuẩn. Hơn 300 đại biểu, bao gồm lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế, Giám đốc 63 Sở Y tế, Giám đốc và trưởng khoa phòng chống nhiễm khuẩn của 63 bệnh viện đa khoa tỉnh và khoảng 30 Bệnh viện bà mẹ và trẻ em tuyến tỉnh đã tham dự hội nghị. Cùng tham dự hội nghị có nhiều cơ quan quốc tế và các nhà tài trợ, như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC), PATH và WHO.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến yêu cầu các cơ sở y tế phải thực hiện đầy đủ, phù hợp các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn và đảm bảo đủ trang thiết bị, điều kiện, trang bị phòng hộ cá nhân, nguồn tài chính và nhân lực cho hoạt động phòng chống nhiễm khuẩn, tăng cường vệ sinh tay và giám sát nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc sức khỏe.

Tiến sỹ Kidong Park, Đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu của ngành Y tế Việt Nam trong thập kỷ qua trong việc phòng chống nhiễm khuẩn, bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tăng cường cam kết thực hiện phòng chống nhiễm khuẩn, đặc biệt là cam kết của các lãnh đạo bệnh viện. Tiến sỹ Kidong khẳng định "Văn phòng WHO tại Việt Nam cam kết hỗ trợ liên tục cho ngành Y tế Việt Nam để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống nhiễm khuẩn giai đoạn 2016-2020".

Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê chỉ ra những thách thức hiện nay của hệ thống y tế trong các hoạt động phòng chống nhiễm khuẩn. Ông nhấn mạnh, lãnh đạo các bệnh viện cần chứng minh kết quả thực hiện cam kết về phòng chống nhiễm khuẩn bằng hành động.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bệnh viện cũng trao đổi kinh nghiệm về giám sát nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc sức khỏe và kháng kháng sinh; giám sát môi trường; đào tạo về phòng chống nhiễm khuẩn; quản lý tài chính trong phòng chống nhiễm khuẩn; hoạt động của mạng lưới về phòng chống nhiễm khuẩn. Đây là những hoạt động chính của phòng chống nhiễm khuẩn để giải quyết vấn đề nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc sức khỏe và kháng kháng sinh cũng như nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện cam kết rõ ràng, tăng cường đầu tư cho các hoạt động phòng chống nhiễm khuẩn. "Chúng ta không để cho nhiều bệnh nhân tử vong hơn do nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc sức khỏe, đó là lỗi của chúng ta", ông nhấn mạnh. Đáp lại lời kêu gọi của Thứ trưởng, đại diện của hơn 200 bệnh viện đã ký cam kết tăng cường thực hiện các hoạt động phòng chống nhiễm khuẩn.

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

XỊT MŨI HỌNG THẢO DƯỢC NANO BẠC GREEN COOL 08/08/2022

XỊT MŨI HỌNG THẢO DƯỢC NANO BẠC GREEN COOL

Đề phòng các bệnh trẻ hay mắc vào mùa mưa 31/05/2022

Đề phòng các bệnh trẻ hay mắc vào mùa mưa

Những thói quen tưởng tốt mà hại sức khỏe 17/05/2022

Những thói quen tưởng tốt mà hại sức khỏe

Phòng và xử lý viêm họng đúng cách để trẻ không bị biến chứng nguy hiểm 11/05/2022

Phòng và xử lý viêm họng đúng cách để trẻ không bị biến chứng nguy hiểm